XV2012-Day04-Thanh niên đi chợ Đà Lạt


Hôm nay tôi  ngủ nướng đến tận 9h30. Đà Lạt tuy đẹp và thơ mộng nhưng lại khiến tôi lười hơn. Tôi không muốn thế và tôi tự nhủ lòng mình phải tự giác thật nhiều vào. Và tôi sẽ phải tự giác hơn, thức tỉnh hơn, vì thời gian không còn nhiều, không còn nhiều nữa.


Tôi trèo lên nóc nhà ngó ra bao lơn xung quanh, xa xa là những dải đồi xanh phơi mình dưới nắng vàng ấm áp. Vẫn có gió hơi lành lạnh, vẫn có nắng ấm vàng, hòa quyện vào nhau. Tôi chưa từng thử và không biết có ai đã từng thử làm như vậy chưa: trộn mật ong với nước si rô bạc hà, nếu có chăng thì vị có nó cũng như hương vị của Đà Lạt lúc này, mật là nắng và bạc hà là gió. Một hương vị khó quên.

Nhìn từ nóc nhà tôi trọ

Ngã năm đại học

Cửa hàng bán thú cưng

Tôi làm một vòng lên ngã năm đại học, xem người ta làm gì để sống ở nơi tuyệt vời thế này. Người ta có thể mở cửa hàng bán bánh mỳ; người ta có thể làm giáo viên dạy ngoại ngữ, tiếng anh hoặc tiếng nhật; người ta có thể bán hàng rong; bán các loại bánh; làm giảng viên đại học; phụ bếp; phục vụ bàn; vẽ tranh ký họa; chụp ảnh; bán tạp hóa; xây phòng trọ cho thuê; tóm lại là có thể làm bất cứ thứ gì.À, bán thú cưng nữa, mấy con bọ nuôi làm thú cưng này thật dễ thương, tôi ngắm hoài chúng mà không chán, nhắt là khi chúng nặc nè chạy trong bánh xe tập thể dục, trông thật là buồn cười. Tôi nhớ tới một chú chim cánh cụt béo núc ních tìm cách giảm cân và khuôn mặt thì thật là ngộ nghĩnh ( có thể là hơi khờ nữa).
Sau một giấc trưa ấm áp, tôi khoác thêm một áo nỉ, mặc quần short, đi đôi giày vải, giống du lịch bụi quá. Tôi hướng về hồ Xuân Hương và chợ Đà Lạt, như một thói quen, một thói quen xưa cũ.
Chợ Đà Lạt bán nhiều rau rất tươi; nhiều dâu, dâu ta và dâu tây; nhiều bơ; nhiều actisoo. Vào trong chợ Đà Lạt là chìm vào không khí mua bán. Chợ Đà Lạt cũng không khác mấy so với các chợ mà tôi đã đi ở Sài Gòn, Hà Nội, cũng từng ấy thứ hàng hóa, có vẻ chúng được phổ cập cả đất nước. Nhưng thái độ bán hàng của các chủ sạp có vẻ dễ chịu, ít ra là tôi cảm thấy thế. Có phải đó là điều làm nên Đà Lạt này chăng?Hàng ăn thì khá phong phú và thơm ngon, nhưng mà nếu ghé qua hết thì chắc tôi không thể đi bộ mà về được.  
Dâu ta nè, trông ngon không?

Bơ thì quá trời, và tôi cực kỳ thích bơ

Từ tầng 3 nhìn xuống tầng 2 chợ Đà lạt

Từ cầu thang nối hai khu chợ nhìn xuống

Ra khỏi chợ là la liệt hàng quán hải sản và bánh tráng nướng dưới bậc tam cấp. Ở Đà lạt hầu như đi đâu cũng thấy món bánh tráng nướng này, đêm hôm qua tôi đã ăn rồi, cũng khá ngon. Ngồi dưới chân tượng phụ nữ Đà Lạt tôi tò mò làm một chén tàu hũ với nước đường gừng, ăn cho vui miệng. Thú vị là thấy một chị với đồ bán bánh tráng nướng rất cơ động, để thích nghi với cánh bắt bớ của mấy chú trật tự ở đó. 
Tượng phụ nữ Đà Lạt

Chén Đậu hũ nước Đường Gừng

Gánh hàng bánh tráng nướng Rất cơ động đúng không?

Lối đi tam cấp nhìn xuống tượng đài phụ nữ Đà Lạt

Đi xuống đồng hồ thấy xa xa ngồi dưới gốc cây một chú tóc dài mặc vét đen, còn ai khác là chú Thảo họa sĩ. Hô to, tôi gọi và xuống ngồi nói chuyện một lúc. Tóm lại là chú sẽ Đà Lạt một thời gian nữa. Cũng có nghĩa là có ai mà đến Đà Lạt, ra công viên chỗ Đồng Hồ gần chợ Đà Lạt, tìm một chú mặc vét và tóc dài và mượt như con gái, hơi gầy gầy, đó chính là chú Thảo. 
 
Sau tôi là chú Thảo, tiếc là không có tấm nào rõ hơn.

Tối nay tôi được tham gia cổ vũ đội đá banh nữ chào mừng ngày phụ nữ Việt Nam. Trận đấu diễn ra cực kỳ sôi nổi và gay cấn và kết thúc với rất nhiều niềm vui, dù cho kết quả không ưng ý. Sau đó, mấy bạn nam (có cả tôi) cũng có một trận đấu bóng, và cũng lại thua, nhưng mà cũng lại vui ( cái này gọi là gỡ gạc cảm xúc). Về nhà tắm nước nóng thật sướng và nói chung là tôi phải đi ngủ thôi vì sớm mai có hẹn đi bộ xuống hồ Xuân Hương với mấy cô gái. 
Tuyển nữ có một cầu thủ nhí, bé Gia Ân đang khởi động..Cố lên cháu...

Chúc tôi ngủ ngon và có một giấc mơ đẹp.

Bút danh : ThuanVu ~Một tâm hồn đang tiếp tục kiếm tìm

Bài viết XV2012-Day04-Thanh niên đi chợ Đà Lạt được đăng bởi ThuanVu vào lúc Sunday, March 11, 2012. Đã có 0 bình luận cho bài viết XV2012-Day04-Thanh niên đi chợ Đà Lạt
 

0 comments:

Post a Comment